image banner
ĐÌNH TÂY LẠC XÃ ĐỒNG SƠN
Lượt xem: 567
Lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất Tây Lạc, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực diễn ra từ khá sớm. Thế kỷ 13, nhà Trần được thành lập. Cùng với việc củng cố chính quyền, tăng cường quân sự, nhà Trần đặc biệt chú trọng đến việc phát triển kinh tế. Một trong những chính sách kinh tế của nhà Trần là phong thái ấp cho những vương hầu, quý tộc và những người có công. Những vương hầu, quý tộc này đã chiêu tập dân binh đi khai khẩn những vùng đất hoang để phát triển kinh tế. Do vậy, vào năm 1340 - 1410 dòng họ Vũ ở Tứ Kỳ, Hải Dương đã về khai khẩn đất làng Tây Lạc. Quá trình khai khẩn, họ gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, vật lộn với đất hoang đầy cồn cát, sú vẹt; đê điều chưa vững chắc, nước mặn tràn vào gây ra cảnh đồng chua nước mặn, úng lụt, hạn hán…
Sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh thắng lợi (1418 - 1427), triều đình nhà Lê đã ban hành nhiều chính sách nhằm khôi phục nền kinh tế. Nhà nước cho nhân dân phiêu tán được phép đi khai hoang những vùng đất bãi bồi ven sông, ven biển, để lập đồn điền. Được sự khuyến khích của triều đình, nhân dân nhiều nơi đã tìm đến khai hoang lập ấp ở vùng đất Sơn Nam Hạ (Nam Định ngày nay). Lúc bấy giờ, tại Đồng Sơn cũng có nhiều gia đình, dòng họ tìm đến làm ăn sinh sống, trong đó có dòng họ Nguyễn ở Hải Dương. Tiếp nối công cuộc khẩn hoang của tiền nhân, các dòng họ Nguyễn, Đoàn, Bùi, Phạm, Trần, Vũ từ nhiều miền quê khác cùng về đây hội tụ, đóng góp công sức khai sáng, xây dựng làng xóm quê hương. Bản cảnh Thành hoàng Nguyễn Minh Triết là một trong những người về vùng đất Tây Lạc. Ông người huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, sinh năm 1578. Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh, học đâu nhớ đấy, văn, thơ, phú lục đều giỏi. Ông đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, được ban Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa) khoa Tân Mùi niên hiệu Đức Long 3 (1631), đời vua Lê Thần Tông. Trong thời gian làm quan, ông luôn tận tâm với công việc, được triều đình vua Lê - chúa Trịnh rất mực tin dùng và giao cho nhiều trọng trách. Ông từng được cử làm Huyện doãn huyện An Lão (Hải Phòng). 
Chúa Trịnh Tráng khi ấy, là người “tín trọng nho thần, giảng cầu kinh lý, giữ gìn phép tắc và cần kiệm, khiêm tốn ”, nên rất cần những người tài cao đức trọng như Nguyễn Minh Triết ở bên. Vì vậy, năm Tân Mão niên hiệu Khánh Đức 3 (1651), đời vua Lê Thần Tông, ông Nguyễn Minh Triết được tiến cử làm Công bộ Thượng thư, tước Dĩnh Xuyên hầu. Ông về trí sĩ với chức Binh bộ Thượng thư, tước Cẩn Quận công. Mặc dù về tri sĩ nhưng những dịp lễ trọng như: Tết Nguyên đán, lễ Diên thọ, ông vẫn được mời vào triều, được Chúa và các quần thần đón tiếp niềm nở, rất mực yêu quý. Làm quan ở chức vụ nào ông cũng tỏ ra là người có tài năng và đức hạnh, được triều đình trọng dụng, đồng liêu nể trọng như Quốc lão Phạm Công Trứ - một vị trụ cột triều đình (thời vua Lê Thần Tông - chúa Trịnh Tráng) rất quý mến, Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo - một vị khoa bảng văn chương nổi tiếng cùng thời rất bái phục. 

Ngai, tượng thờ Bản cảng Thành hoàng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn
Cuộc đời Thám hoa Nguyễn Minh Triết không chỉ gắn liền với sự nghiệp phục hưng của triều đình phong kiến nhà Hậu Lê, mà ông còn đóng góp công sức cùng Thuỷ tổ các dòng họ dựng làng, lập ấp, hình thành nên truyền thống hiếu học, tại vùng đất Tây Lạc nói riêng, Đồng Sơn nói chung. 
Ông đến đất Tây Lạc khi vùng đất này mới được hình thành và đang trong quá trình phát triển nên còn nhiều khó khăn, kinh tế, giáo dục chưa có. Với kinh nghiệm của bản thân, ông nhận thấy việc học không chỉ cần thiết và quan trọng với cá nhân mà còn để góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Chính vì vậy, với tài năng và tâm huyết của một nhà nho, ông đã mở trường dạy học cho con em vùng đất mới. Bằng sự hiểu biết, kinh nghiệm quan trường cùng với việc ham mê đèn sách, ông đã tận tâm, tận lực khuyên bảo, dạy dỗ cho cư dân vùng đất mới từng con chữ, cách ứng xử để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp. 
Qua những lời thơ, lời văn để nhớ, để thuộc, ông đã truyền dạy, xây dựng nếp sống cần kiệm, chịu khó cho cư dân vùng đất mới một cách hiệu quả, tiêu biểu như bài thơ vẫn còn lưu truyền trong nhân dân ở thôn Tây Lạc: 
Giàu thì ba bữa khó thì hai
Lần đổi cho qua tháng thiếu đầy
Nón đổi lá ngoài quần đổi ống
Dép thay da mặt túi thay quai
Nhủ vợ có cà đừng gắp mắm
Dặn con bớt gạo cạo thêm khoai
Nếu ai có bảo là hà tiện
Ta chẳng phiền ai chẳng lụy ai.
Những lời răn dạy của ông vẫn còn đúng tới ngày nay, được con cháu và các thế hệ noi theo, ghi lòng tạc dạ, khắc câu đối trong đình làng để nhớ ghi: 
“Cần ắt hẳn có công, thôn xã ghi lòng lời thánh dạy,
Kiệm thường năng biết đủ, cháu con tạc dạ ý thần răn
Tại đình Tây Lạc còn nhiều câu đối, đại tự ghi nhận công lao dạy bảo của Thám hoa Nguyễn Minh Triết đối với nhân dân như: 
“Sinh dục tán lưỡng nghi, thánh đức thần công tối đại, 
Phụ khang đào nhất cảnh, dân bào vật hưng giai xuân”.
Tạm dịch:
Sinh thành nuôi dưỡng, phụ giúp đất trời, đức thành công thần lớn nhất, 
Giàu mạnh yên ổn, giáo hoá một vùng, dân no vật lớn tốt tươi.
Với tinh thần lao động không mệt mỏi, sự thông minh, chính trực, cần kiệm, Thám hoa Nguyễn Minh Triết đã tạo nên một nếp sống quy củ, văn mình, tốt đẹp thôn xóm đông vui tại vùng đất Tây Lạc. Ghi nhận công lao của ông trong việc dạy học, truyền nghề, tạo dựng nếp sống làng xóm, các triều đại phong kiến từ Lê, Nguyễn đều đã ban sắc phong chuẩn cho nhân dân trong xã phụng thờ. Nội dung đạo sắc phong ban tặng dưới triều vua Lê, niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783) chép (dịch) như sau: 
“Sắc Đại vương Minh Vương Uy Triết cai nghiêm hiền trí, thông minh, sáng suốt, hiển đạt rõ ràng, cương quyết ngay thẳng, cứng cỏi vững vàng, khoan dung rộng rãi, mưu kế sâu xa, công lớn đức sáng, danh tiếng lớn lao, văn thành võ thần, giúp thánh phò vận, vui vẻ, nhẹ nhàng, hiền từ, hoà mục, thông minh ngay thẳng, ngăn họa trừ tai, thi hành kỳ diệu, lòng nhân mưa móc, linh thiêng rực rỡ, lặng lẽ phò giúp vận mệnh non sông. Việc khen tặng được quy định rõ ràng, nên ban tặng danh hiệu tốt đẹp. Làm vua nối ngôi, được tiến phong vương vị, đến ở nơi chính phủ, long trọng làm lễ tặng phẩm trật, nên phong tặng thêm một chữ mỹ tự là Đại vương Minh Vương Uy Triết”. 
Ở đạo sắc trên triều đại nhà Hậu Lê đã dành nhiều mỹ tự, những lời tốt đẹp cho Thám hoa Nguyễn Minh Triết thì đến đạo sắc phong dưới triều vua Nguyễn niên hiệu Tự Đức năm thứ 6 (1853) đã ghi nhận rõ hơn công lao “hộ quốc, tý dân ” của Bản cảnh Thành hoàng chép (dịch) như sau: 
“Sắc tôn thần Bản cảnh Thành hoàng, vốn tặng là tôn thần đầy đặn rộng rãi, ngay thẳng đúng đắn, giúp đỡ việc tốt. Giúp nước cứu dân linh thiêng ứng nghiệm rõ rệt. Nay được kế thừa mệnh sáng, tưởng nhớ sâu sa sự tốt đẹp của thần, nên phong tặng thêm là tôn thần đầy đặn, rộng rãi, ngay thẳng đúng đắn, giúp đỡ việc thiện, đôn hậu lắng đọng. Vẫn chuẩn cho xã Tây Lạc, huyện Nam Chân phụng thờ thần như trước thần sẽ che chở bảo vệ dân ta ”.

Sắc phong ban cho Minh Vương Uy Triết đại vương niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783)
Bản cảnh Thành hoàng làng Nguyễn Minh Triết không chỉ là một “nhà nho có đức nghiệp” mà ông còn là người đặt nền móng cho sự nghiệp học hành, khoa cử của thôn Tây Lạc nói riêng và xã Đồng Sơn nói chung. Ông mất năm 1672, thọ 95 tuổi, được Chúa Trịnh ban tặng tên thụy là Văn Đẩu (ý coi tài năng, phẩm hạnh của ông như ngôi sao sáng).

Ngai, bài vị thờ Minh Vương Uy Triết đại vương mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn
Sau khi ông mất, nhân dân đã lập đình thờ và suy tôn ông làm Bản cảnh Thành hoàng làng để tri ân Công đức với mong muốn tấm lòng cao cả, sự hy sinh, phẩm chất tốt đẹp của ông còn mãi cho các thế hệ con cháu mai sau. Hiện nay, ngai, tượng và bài vị thờ Bản cảnh Thành hoàng được đặt trang trọng tại gian giữa toà cung cấm. Tại đình còn câu đối ghi nhận thân thế, công trạng, việc thờ tự và tôn ông làm hậu thần:
"Lê triều kỳ tích, huân công khoa bảng phong hầu tước,
Tây ấp sùng từ, lễ nhạc y quan bái hậu thần”
Tạm dịch:
Triều Lê ghi dấu tích, vì công danh đỗ đạt phong tặng tước hầu,
Tây Lạc có đền thiêng, theo nghi lễ phụng thờ tôn làm hậu thần.
Hàng năm tại đình diễn ra nhiều ngày lễ, ngày giỗ liên quan đến những nhân vật thờ tại di tích và các sự kiện của làng, xã. Trong số những kỳ lễ đó, quan trọng nhất là lễ tưởng niệm ngày mất của Bản cảnh Thành hoàng làng Nguyễn Minh Triết được nhân dân cử hành trọng thể vào ngày 27 tháng Giêng âm lịch.
Mở đầu buổi lễ, đại diện Ban tổ chức lễ hội đọc diễn văn khai mạc và chúc văn ôn lại tiểu sử, công lao của Bản cảnh Thành hoàng Nguyễn Minh Triết. Tiếp đó, các đoàn đại biểu của địa phương, khách thập phương cùng dân làng làm lễ dâng hương tế thần. Sau nghi thức dâng hương, các bậc cao niên dâng lễ vật lên Bản cảnh Thành hoàng gồm các sản vật mà nhân dân địa phương đã làm ra như: hương, đăng, trà, quả, thực (xôi, thịt). Thịt phải chọn lợn béo, gạo được chọn làm xôi phải là loại nếp thơm mới đủ tiêu chuẩn để làm lễ vật. Lễ vật dâng lên tuy đơn giản nhưng đó là thành quả lao động trong một năm mà người dân địa phương đã vất vả lao động, thể hiện sự nâng niu, quý trọng sản vật mà mình làm ra, từ đó tỏ rõ lòng thành kính, tri ân công đức đối với vị thần được thờ tại đình.
Bên cạnh các nghi thức tế lễ, trang nghiêm thành kính, Ban tổ chức lễ hội còn tổ chức vinh danh và trao phần thưởng khuyến học cho con cháu trong thôn có thành tích cao trong học tập, nhằm phát huy truyền thống hiếu học của cha ông. Bên cạnh đó, hội làng còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc thu hút đông đảo nhân dân cùng khách thập phương tham gia như: kéo co, đánh cờ... Việc tổ chức đánh cờ cũng được chuẩn bị rất chu đáo, từ việc chọn người cầm chịch cũng như người phục vụ đều phải tập dượt kỹ lưỡng. Khi vào trận phải tuyên bố quy định và hiệu lệnh ra quân. Bên nào ra quân chậm sẽ bị trống dồn thúc dục khiến trận đấu sinh động, lý thú. Hội tướng cờ nào thắng sẽ được thưởng tiền, thưởng lộc Thánh. Dù thắng hay thua mọi người vẫn hồ hởi, phấn khởi tham gia để cầu may cho một năm mới.
Những sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng được dân làng tổ chức hàng năm đã phản ảnh một nét đẹp trong hình thức sinh hoạt văn hoá truyền thống của đông đảo nhân dân. Đây cũng là dịp tôn vinh công đức của các vị thần đã có công lao trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; đồng thời lễ hội là nơi gắn kết cộng đồng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hoá của địa phương.
Đình Tây Lạc được xây dựng trong khuôn viên rộng 1.356m², cao ráo, mặt quay hướng Đông Nam, phía trước là đường liên xã, xung quanh là khu dân cư. Trong khuôn viên đình có nhiều cây lưu niên và cây cảnh tạo không khi mát mẻ trong lành. Đình gồm các hạng mục công trình: nghi môn, sân, công trình kiến trúc chính và nhà khách.

Toàn cảnh đền Tây Lạc
Đình có bố cục mặt bằng theo kiểu chữ “đinh”: tiền đường 3 gian 2 chái, cung cấm 1 gian quay dọc. Mái tiền đường lợp ngói nam, trên xây bờ nóc, ở giữa đắp mặt hổ phù, hai bên đầu hồi có hệ thống bờ bảng và cột đồng trụ mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Bộ cửa được làm bằng gỗ, kiểu bức bàn chạy suốt 3 gian tiền đường. Cánh cửa được đặt trong các khung bạo, lắp chân quay thuận tiện cho việc đóng mở. Bộ khung tiền đường được liên kết bởi bốn vì kèo kiểu ba hàng chân cột. Mỗi bộ vì bố trí 3 cây cột theo kiểu chốn cột cái phía trước, cột được tạo dáng búp đòng; phần chân cột được kê trên các chân tảng đá xanh tạo dáng thắt cổ bồng, tạo thế vững chãi cho công trình.
Theo nội dung dòng chữ Hán khắc trên thượng lương của toà tiền đường thì toà tiền đường được tu sửa dưới triều vua Đồng Khánh năm Ất Dậu (1885). Trong lần tu sửa này, các cấu kiện được gia công kiểu câu đầu mê cốn, bẩy tiền. Kết cấu chính của tòa tiền đường có 3 dạng liên kết chủ yếu ở vì nóc, vì nách và liên kết hiên.
Phần trang trí mĩ thuật tại tiền đường được tập trung thể hiện trên nhiều cấu kiện song tiêu biểu nhất ở các cấu kiện như hệ thống 4 cây bẩy hiên tại tiền đường đều được chạm khắc sinh động các đề tài: lá lật, lá lật hoá long, các đường nét chạm khắc tinh xảo, mềm mại, đầu bẩy chạm chữ “thọ”. Trên các ván mê, xà nách đều chạm khắc họa tiết long hoá, đan xen họa tiết lá lật. Đường nét chạm khắc trên các cấu kiện gỗ tại đây mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, với bố cục chặt chẽ, tinh xảo làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho công trình kiến trúc.
Cung cấm của đình xây xoay dọc giao mái với toà tiền đường tạo thành mặt bằng kiến trúc chữ “đinh” truyền thống, xây theo kiểu cuốn vòm, mái lợp ngói nam, nền lát gạch. Tại đây đặt khảm, ngai, tượng và bài vị thờ Bản cảnh Thành hoàng Nguyễn Minh Triết.
Đình Tây Lạc thờ Bản cảnh Thành hoàng Nguyễn Minh Triết, một nhà khoa bảng, một vị quan thanh liêm, chính trực, một người hết lòng vì dân, vì nước. Thời gian làm quan ông được triều đình vua Lê - chúa Trịnh rất mực tin dùng, giao nhiều trọng trách như: làm Huyện doãn huyện An Lão (Hải Phòng), Công bộ Thượng thư, tước Dĩnh Xuyên hầu, Binh bộ Thượng thư, tước Cẩn Quận công. Cuộc đời ông không chỉ cống hiến hết mình cho sự nghiệp phục hưng của triều đình nhà Hậu Lê, mà ông còn góp công sức cùng Thuỷ tổ các dòng họ dựng làng, lập ấp, hình thành truyền thống hiếu học tại vùng đất Tây Lạc. Ông là người đầu tiên mở trường dạy học, đặt nền móng cho sự nghiệp học hành, khoa cử của làng Tây Lạc. Bằng tình cảm và sự tâm huyết của mình ông đã truyền dạy từng con chữ, chỉ bảo lối sống, xây dựng cách thức sinh hoạt trong cộng đồng dân cư thôn Tây Lạc. Ghi nhớ công lao và đức độ của ông nên nhân dân thôn Tây Lạc đã dựng đình thờ phụng, đời đời hương khói, tôn ông làm Bản cảnh Thành hoàng của làng Tây Lạc.
Trong các phong trào cách mạng và kháng chiến, đình Tây Lạc đã có nhiều đóng góp vào thành tích chung của địa phương, góp phần cùng quân dân cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc. Sau khi chính quyền cách mạng huyện được thành lập, cán bộ Việt Minh về các địa phương tuyên truyền thành lập chính quyền mới thì đình Tây Lạc là nơi diễn thuyết, thu ấn, thành lập chính quyền mới của xã Đồng Sơn. Trong thời kỳ “hai năm bốn tháng” (tháng 10/1949 đến tháng 2/1952), nhân dân xã Đồng Sơn cùng nhau “rào làng kháng chiến”, mỗi gia đình là một chiến hào, mỗi người dân là một chiến sĩ. Lúc này, đình Tây Lạc trở thành địa điểm hội họp, bàn bạc giữa du kích địa phương với bộ đội địa phương và bộ đội chính quy để chiến đấu chống lại việc phá hàng rào kháng chiến của địch. Những năm chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ (1965 - 1975), đình là nơi tuyên truyền chủ trương đường lối cách mạng của Đảng, là nơi đưa tiễn con em địa phương lên đường nhập ngũ.
Công trình kiến trúc đình kể từ khi khởi dựng đến nay vẫn bảo lưu được những giá trị kiến trúc truyền thống. Tại đây còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: khám, tượng thờ Bản cảnh Thành hoàng Nguyễn Minh Triết, ngai và bài vị thờ, sắc phong đã góp phần làm tăng thêm giá trị cho di tích.
Bên cạnh giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, hàng năm tại đình còn diễn ra nhiều ngày lễ, sinh hoạt văn hoá góp phần đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng cho nhân dân địa phương, đồng thời thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đình Tây Lạc được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2017.
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Xã Đồng Sơn - Nam Trực
Địa chỉ: xã Đồng Sơn - huyện Nam Trực- tỉnh Nam Định
Email: xadongson.ntc@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang