image banner
Giới thiệu về xã Đồng Sơn Nam Trực

Xã Đồng Sơn là một xã hợp nhất từ 2 xã Bắc Sơn và Nam Đồng từ năm 1976,  được hình thành  hầu hết trên phần đất cũ của tổng Sa Lung của huyện Nam Chân (nay là huyện Nam Trực).

 Về vị trí địa lý: Xã Đồng Sơn nằm ở phía nam; cách trung tâm chính trị, kinh tế - văn hoá của huyện Nam Trực 4 km; cách Thành phố Nam Định 14 km và cách cảng Thịnh Long – Huyện Hải Hậu 25 km. Phía Đông giáp xã Bình Minh và xã Nam Tiến; Phía Tây giáp xã Nghĩa Đồng huyện Nghĩa Hưng và huyện Ý Yên, có dòng sông Đào là ranh giới tự nhiên, phía Nam giáp xã Nam Thái, phía Bắc giáp xã Nam Dương. Trung tâm chính trị, kinh tế - văn hoá xã nằm trên địa phận thôn Giao Cù Trung giáp với Tỉnh lộ 490C.

Diện tích đất tự nhiên là 1491,2 ha; trong đó đất nông nghiệp 1.110 ha, đất phi nông nghiệp 365,02 ha, đất chưa sử dụng 16,18 ha. Dân số gần 17 nghìn người. Xã Đồng gồm 11 thôn làng cổ là: Sa Lung, Dương Độ, Thôn Khoát, Giao Cù Thượng, Giao Cù Trung, Vân Cù, An Lộc, Tây Lạc, Đông Lạc, Thượng Đồng, Nam Phong và Vườn Trại. Là một xã có diện tích lớn, dân số đông với các khu dân cư tập trung; về hành chính được phân chia thành 22 xóm theo quyết định của UBND tỉnh Nam Định, trong đó có 18/22 xóm đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa.  

Về Nông nghiệp: Xã có 3 HTX NN là HTXNN Nam Thượng, HTXNN Nam Thành, HTXNN Nam Đồng với khoảng 7000  lao động chuyên trồng lúa 2 vụ; Về thủy lợi có hệ thống sông ngòi, kênh mương hoàn chỉnh (lấy nước tưới từ sông Đào và tiêu nước xuống sông Ninh Cơ) nên rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; điểm nổi bật trong nông nghiệp của xã là xây dựng được mô hình 5 cánh đồng mẫu lớn và sản xuất nông sản mang tính quy mô tập trung. Sản lượng lúa hàng năm đều đạt kế hoạch đề ra.

Về công nghiệp và nghề truyền thống: Trên địa bàn xã hiện có 6 công ty đang hoạt động đó là: Công ty giày da Ánh Vàng, công ty may PACEFic, công ty may Thuận Thành, công ty SX Gạch Tường Giang, công ty xây dựng Quang Thọ, công ty xây dựng Tuấn Anh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng trên diện tích hàng chục hecta, thu hút khoảng gần 4000 lao động trong và ngoài địa phương.

Đồng Sơn được coi là Thuỷ tổ của “nghề phở” thương hiệu “phở bò Giao Cù” không chỉ có mặt trên các tỉnh thành từ Bắc tới Nam mà còn có mặt ở nhiều nước trên Thế giới, thu hút được khoảng trên 5.000 lao động tham gia với thu nhập khoảng 5-7 triệu đồng/người/tháng, góp phần bảo tồn, phát triển và tôn vinh nét đẹp văn hoá “ẩm thực” của con người Việt Nam và đem lại nguồn thu đáng kể thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương trong giai đoạn hiện nay .

Về giao thông: Tỉnh lộ 490C chạy dọc trung tâm xã dài 5,2 km. Từ Đông sang Tây có Tỉnh lộ 487 và đường Trắng huyện lộ chạy song song nối từ quốc lộ 21 đến Tỉnh lộ 490C và Quốc lộ 37B; Điểm giao cắt với tỉnh lộ 490C tại ngã tư thôn Giao Cù và ngã tư đường Đen. Với những lợi thế về vị trí địa lý và hệ thống giao thông, khu vực ngã tư Giao Cù đã trở thành địa bàn chiến lược trong phát triển kinh tế của huyện Nam Trực.

Về danh nhân, văn hóa: Đồng Sơn nổi tiếng là đất học, trong thời kỳ phong kiến đã có 3 người đỗ tiến sỹ ở các triều đại, đó là Tiến sĩ Nguyễn Công Bật, Tiến sĩ Vũ Kiệt, Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi. Đặc biệt Tiến sỹ Vũ Hữu Lợi là một văn thân trong phong trào Cần Vương đã tổ xây dựng nghĩa quân, vận động nhân dân kháng chiến chống Pháp, góp phần khích lệ tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của Dân tộc; Hiện Đồng  Sơn có 3 người có học hàm giáo sư; 8 người có học vị tiến sỹ; 17 thạc sỹ và hàng ngàn người là cử nhân, kỹ sư.

Toàn xã có 7 trường học, trong đó có 1 trường THCS; 3 trường Tiểu học và 3 trường mầm non; chất lượng giáo dục luôn đững ở tốp đầu của huyện Nam Trực.

Về truyền thống: Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ  xâm lược, Cán bộ và nhân dân Đồng Sơn đã đóng góp hàng ngàn tấn lương thực, hàng ngàn thanh niên đã hăng hái lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, toàn xã ghi nhận công lao của 337 anh hùng liệt sỹ; 250 thương, bệnh binh và trên 60 người bị nhiễm chất độc Đi ô xin. Đặc biệt trong thời kỳ chống Pháp, cán bộ và nhân dân xã Đồng Sơn đã tổ chức rào làng, xây dựng chiến khu kháng chiến“Bắc Sơn - Đồng Lạc” chống thực dân Pháp (giai đoạn 1950-1951) đã được ghi nhận trong lịch sử đảng bộ tỉnh, huyện, xã.

Về tôn giáo: xã có 2 tôn giáo là Phật giáo và Thiên chúa giáo, tỷ lệ dân số theo Thiên chúa giáo chiếm khoảng 2,1% dân số toàn xã. Toàn xã có 12 ngôi chùa và 3 nhà thờ họ lẻ; có trên 20 di tích lịch sử văn hoá đình, đền, chùa, từ đường, nhà thờ Thiên chúa giáo. Trong đó có nhiều di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu: Đền Giao Cù được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1991, chùa Như (Viên Quang Tự) được xây dựng từ thời Lý, thờ tam vị Thánh tổ là: Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Dương Không Lộ, hiện có hai cây Đại khoảng 700 năm tuổi; đền Vân Cù - điểm duy nhất trên địa bàn tỉnh Nam Định thờ vua Hùng. Hoạt động văn hóa truyền thống và các lễ hội thôn làng cơ bản diễn ra vào mùa xuân mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và phong tục tập quán cổ truyền.

Năm 2000, Đảng bộ và nhân dân xã Đồng Sơn được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp” và Huân chương kháng chiến hạng nhất.


image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Xã Đồng Sơn - Nam Trực
Địa chỉ: xã Đồng Sơn - huyện Nam Trực- tỉnh Nam Định
Email: xadongson.ntc@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang